Bánh đá, một loại bánh được làm to như viên gạch, được vứt dưới những con suối nhỏ quanh nhà. Là một đặc sản riêng có của người Dao, người Nùng rẻo cao Hà Giang…
Bà con dân tộc ở vùng rẻo cao tỉnh Hà Giang có cách riêng để giữ gìn lương thực cho mình. Trong một năm trong tình trạng không điện, không tủ lạnh. Họ cũng có những cách đặc biệt để tạo các món ăn giải khát sau những giờ làm đồng vất vả…
Cách làm ra bánh đá:
Gạo để làm bánh thường là loại ngon, kém nhất phải là gạo Bắc Hương trộn cùng với gạo nếp. Làm bánh đá rất kỳ công và mất nhiều công sức. Nhưng sau mỗi vụ gặt, nhà nào cũng làm bánh đá để tích trữ.
Ban đầu người dân trộn hai loại gạo với nhau. Sau đấy mang đi ngâm khoảng 4-5 tiếng, ngâm xong rồi lại phơi khô. Chờ cho gạo ngâm đã khô, bà con sẽ mang đi nghiền. Sau đó đồ bột gạo lên, chín nhừ thì mang ra giã. Giã cho dẻo thì bắt đầu nặn thành chiếc bánh to như cục gạch. Nhưng thao tác nặn phải thật nhanh vì nếu để bột nguội thì chúng không dính quyện được vào nhau. Người nào khéo tay thì có chiếc bánh đẹp, vuông vức, nếu không thì bánh sẽ hụt trước, hụt sau. Mỗi chiếc bánh đá nặng khoảng 1kg.
Sau khi bánh đã thành khuôn thì để nguội rồi cho vào hộp (hoặc tải) ủ rơm 3 ngày. Khi nào ngửi thấy có mùi mốc thì bắt đầu mang bánh đá ra suối ngâm. Khi gia đình có nhu cầu ăn thì ra suối mò về. Trước đây bà con thường mang xuống suối ngâm, nhưng nhiều lúc bị lấy trộm nên giờ người dân kéo nguồn nước về đến tận nhà để ngâm. Nếu không có nguồn nước suối thì ngâm nước tại nhà, khi nào ngửi thấy có mùi chua thì đổi nước, cứ liên tục như vậy, khoảng vài tháng, khi kho lương thực trong nhà cạn dần thì bắt đầu mang bánh đá ra ăn.
Cách ăn bánh đá của bà con dân tộc ở vùng cao
Ngày xưa chưa có bàn chải thì bà con dùng xơ mướp để đánh rêu. Đánh cho đến khi bánh trắng tinh như gạo thì dừng lại, bắt đầu thái sợi như thái su hào xào. mỗi người một cách ăn khác nhau, người thì ăn thay bún. Người thì dùng nó như một món giải khát sau những giờ nhọc nhằn bên nương. Người vùng cao không có đồ ăn vặt nên bánh đá được xem như một nguyên liệu để làm một món ăn vặt.
Bánh đá là một món ăn được coi là đặc sản truyền thống của đồng bào. Nên mặc dù hiện nhiều gia đình đã sắm được tủ lạnh để bảo quản, dự trữ thức ăn nhưng đồng bào vẫn làm để ăn dần.
Vừa từ từ cảm nhận từng sợi bánh đá dẻo, ngấm vị gừng, vị ngọt của đường phên. Chúng tôi vừa mường tượng tới món bánh trôi, bánh chay của người dưới xuôi. Cũng cùng một cách chế biến, nguyên liệu gần giống nhau. Nhưng cảm giác những sợi bánh đá nuột nà, mềm mại chạy qua cuống họng, đọng lại vị gừng cay ngọt. Chắc hẳn sẽ khơi gợi cho người ăn cảm giác đặc biệt hơn nhiều…
Có thể bạn quan tâm:
- Cách làm bánh dày của người Mông ở miền núi phía bắc
- Cách làm Gỏi Cá sống ngon đậm chất núi rừng Tây Bắc
- Cách làm Xôi ngũ sắc Người Tày Hà Giang Tinh hoa ẩm thực vùng cao