Lễ hội Lồng tồng cũng thường gọi ,là Lễ Hội xuống đồng, là một lễ hội của dân tộc Người Tày, cũng là nét quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc như: Nùng, Dao, Sán Chỉ….
Được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Nơi tổ chức tại những ruộng tốt nhất, to nhất.
Vẫn chưa có tài liệu nào nghiên cứu, khẳng định lễ hội này có từ bao giờ. Nhưng chắc chắn rằng, khởi nguồn của lễ hội phải được sinh ra từ xã hội của người Tày khi đã sống thành làng bản quần cư trong cộng đồng.
Lễ hội Lồng Tồng những ngày đầu xuân
Những ngày đầu Xuân năm mới, đồng bào dân tộc Tày sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Giang, lại tưng bừng mở hội Lồng Tồng (còn gọi là Lễ hội Xuống đồng).
Thời gian tổ chức lễ hội lồng tồng
Những ngày đầu tháng Giêng năm nay (từ mùng 5 – 7 Âm lịch), du khách khắp nơi tưng bừng đi trẩy hội Lồng Tồng ở các thôn Bản. Các chàng trai, cô gái Tày xúng xính trong những bộ áo dài chàm đen truyền thống, nô nức gọi nhau cùng đi hội. Tiếng trống, tiếng chiêng âm vang càng làm cho bầu không khí lễ hội thêm tưng bừng, náo nhiệt.
Lễ hội Lồng Tồng của người Tày đã được bảo tồn, truyền lưu lâu đời. Hiện nay, xã đã chỉ đạo các thôn thay phiên tổ chức hàng năm để đảm bảo tiết kiệm mà vẫn vui vẻ, giữ đúng bản sắc, không bị thương mại hóa hay mê tín dị đoan.
Đây là dịp để người dân địa phương, du khách gặp gỡ, giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết, tạo khí thế thi đua hăng hái bắt tay vào mùa vụ mới. Từ đó, những người già có thể truyền dạy giá trị văn hóa truyền thống cho con, cháu đời sau giữ gìn, phát huy”.
Nghi thức tổ chức Lễ hội Lồng Tồng
Dù được tổ chức ở bất cứ nơi nào, quy mô lớn hay nhỏ, phần lễ vẫn giữ nguyên các nghi thức cúng lễ, mở đầu bằng lễ cầu mùa, thầy cúng đọc các bài khấn và thực hiện các nghi thức tạ Thiên Địa, cầu thần Nông, thần Núi, thần Suối và Thành hoàng, những vị thần bảo hộ cho mùa màng và sức khỏe, sự bình yên của dân làng.
Ngoài cánh đồng, già làng đã sắp mâm lễ cúng trang trọng, chu đáo gồm: Gà trống thiến, thủ lợn, các loại bánh trái (bánh chưng, bánh dày, xôi ngũ sắc, mâm ngũ quả), cây nêu treo quả còn, rượu ngon, nước sạch và các loại hạt giống tốt.
Mỗi sản vật được dâng lên cúng trời đất, các vị thần đều mang một ý nghĩa biểu thị sự giao hoà âm dương, là thành quả lao động của những bàn tay cần cù, chịu khó làm lụng.
Thể hiện sự cảm tạ trời đất, các vị tiền nhân, thánh thần luôn phù hộ, che chở cho nhân dân thuận lợi lao động sản xuất, gia đình bình an, hạnh phúc.
Thầy cúng là người có uy tín, được dân bản kính trọng, giữ vai trò chủ trì các nghi lễ. Thắp nén nhang thơm, thầy cúng đọc bài khấn và thực hiện các nghi thức cầu cúng, tạ ơn các vị thần Nông, thần Sông, thần Núi. Phù hộ cho dân bản một năm mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, gia súc phát triển, bản làng bình yên, no ấm.
Tiếp đó, người dân trong thôn, bản sẽ làm nghi thức quan trọng nhất là lễ Xuống đồng, mắc ách vào cổ những con trâu to khỏe, vạch luống cày đầu năm, mở đầu cho một năm lao động sản xuất mới.
Kết thúc phần nghi lễ, thầy cúng tưới nước, rượu ra khắp bốn phương trời và “phát lộc Xuân” (những hạt giống tốt đã được làm lễ) cho mọi người.
Phần lễ hội
Đến phần hội, người dân trong thôn, bản mời du khách cùng hòa mình vào không khí tưng bừng với những trò chơi dân gian như: tung còn, kéo co, ném sảng, đẩy gậy hay thưởng thức những điệu hát then mộc mạc, giản dị.
Nơi tụ tập đông vui nhất chính là nơi diễn ra hội tung còn. Người Tày quan niệm, trong lễ hội Lồng Tồng phải có người tung được quả còn xuyên qua vòng tròn treo trên cây nêu cao thì năm đó mới nhiều may mắn, vạn sự như ý, bản làng yên vui.
Những quả còn ngũ sắc rực rỡ màu sắc, gắn những tua dài theo hướng tay người tung lao lên trời mang theo bao ước vọng về một năm mới gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp.
Lễ hội Lồng tồng đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân tộc Tày ở Hà Giang. Không chỉ có ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong dịp Tết đến Xuân về, lễ hội Lồng Tồng còn mang bản sắc văn hóa truyền thống rất đặc trưng, góp phần tô sắc cho bức tranh văn hóa các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc thêm phong phú, đa dạng.
Có thể bạn quan tâm:
- MÙA XUÂN Ở HÀ GIANG NƠI ĐỊA ĐẦU TỔ QUỐC CÓ GÌ ĐẸP?
- Các Món ăn ngày tết của người miền bắc trong tết cổ truyền
- MÂM CÚNG ÔNG CÔNG ÔNG TÁO GỒM NHỮNG GÌ?