Cứ mỗi độ xuân về, trên vùng cao biên giới của Hà Giang. Chúng ta lại có dịp đến với Phiên Chợ Tết Vùng cao Hà Giang Để thưởng thức ngắm nhìn không gian văn hoá đầy màu sắc cuốn hút, chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của chợ vùng cao. Các phiên chợ vùng cao đã ăn sâu vào tiềm thức nếp nghĩ, nếp sống của người dân bản xứ. Cũng như bất cứ du khách nào đến thăm Hà Giang.
Khám Phá Phiên Chợ Tết Vùng cao Hà Giang
Phiên chợ ngày Tết là tấp nập nhất trong năm. Chợ mỗi nơi lại có những đặc trưng riêng; là nơi thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Bất chấp cái rét buốt lạnh vùng cao, từ rạng sáng, đồng bào ở lưng chừng núi, đồi xuống chợ từ sớm. Làm náo nhiệt cả một vùng vốn ngày thường vắng lặng… Ai cũng muốn mua nhanh, bán sớm để gặp mặt bạn bè, người thân, sắm sửa đồ Tết.
Tiếng bước chân người nhộn nhịp, những tiếng nói cười vang vọng, đối đáp vội vàng của người đi chợ. Tiếng kêu của lợn, dê, bò, tiếng guốc ngựa lọc cọc, tiếng xe máy… Tất cả những âm thanh hòa vào nhau tạo nên một không khí rất riêng của phiên chợ vùng cao Hà Giang
Phiên chợ tết vùng cao khác hẳn những phiên chợ bình thường. Ở đó có sự hòa trộn những hương vị đồng quê ngào ngạt từ những thúng bưởi vàng, những bó hương, bó “khinh phja” (gừng núi) lan tỏa khắp nơi… Từ sớm tinh mơ, người bán, người mua khắp vùng đã đổ về chợ, dường như tất cả những sản vật tốt đẹp nhất đều được người ta dành dụm để góp vào sự phong phú của phiên chợ cuối năm ngày Tết. Gánh hàng của các bà, các mẹ chỉ là những sản phẩm trong vườn…
Nhiều người đi bộ, chân đất, vượt 5 -7 cây số mới tới được chợ nhưng ai nấy đều rất vui, rất hồ hởi. Người dân vùng cao đi chợ Tết không chỉ để mua sắm. Họ đến đây còn để chơi chợ, gặp gỡ bạn bè, mời nhau đi dự lễ hội mùa xuân. Nhìn những nụ cười rạng ngời trên gương mặt của các bà, các chị, các cô gái. Có lẽ việc bán được hàng hay không không còn là điều quá quan trọng. Niềm vui trong phiên chợ cuối năm giúp họ có thêm một mùa xuân ấm áp.
Rực Rỡ Phiên chợ tết vùng cao Hà Giang
Người dân chặt những cành đào xum xuê hoa đem bán, Người mua đứng ngắm suýt xoa khen đẹp.
Người chọn đào, người mua quần áo, người mua bánh kẹo. Người mua người bán lá dong tấp nập.
Người thì đi bán con lợn con gà để lấy tiền tiêu Tết.
Chợ phiên giáp Tết ở vùng cao với nét đơn sơ vốn có đã làm nên một bản sắc riêng khác xa đô thị. Người đi mua sắm Tết tại phiên chợ cuối năm phải cố lách giữa đám đông để mua đầy đủ các thứ đồ cần dùng trong ngày Tết. Hàng dù đắt, rẻ, dù vừa ý hay không thì ngày chợ cuối này đều phải mua vì đây là phiên chợ hết năm. Mỗi bà mẹ dắt theo con nhỏ mua quần áo mới cho con diện Tết, các chàng trai, cô gái đi chợ để tìm bạn, để gửi lời hò hẹn cho những buổi hội xuân vui đầu năm.
Chợ phiên cuối năm giáp Tết vừa là nét đẹp trong sinh hoạt đời sống vừa chứa đựng nhiều giá trị văn hóa hết sức đặc trưng của đồng bào dân tộc miền núi vùng cao Hà Giang. Cứ mỗi độ xuân về, không gian văn hóa đầy màu sắc, vẻ đẹp của chợ vùng cao khiến con người bâng khuâng, da diết. Với những người con xa quê thì trong tâm khảm luôn thổn thức nỗi nhớ phiên chợ giáp Tết khi tháng Chạp về.
Đối lập với cảnh người mua, người bán tấp nập thì một số gian hàng bán phở, bán thắng cố, bán rượu ở bên trong chợ có phần yên tĩnh hơn. Có lẽ những người ngồi đây, họ đi chợ không phải mua bán mà chủ yếu là giao lưu tình cảm. Những chén rượu ngô men lá thơm nồng được nâng lên hạ xuống cùng với những cái bắt tay hồ hởi sau mỗi lần cạn chén. Dường như họ muốn bỏ lại tất cả những ưu tư phiền muộn đời thường sau một năm lao động vất vả đằng sau để đón chào năm mới với niềm lạc quan, tin tưởng sẽ gặt hái được nhiều thắng lợi.
Có thể bạn quan tâm:
- Rượu Ngô Hà Giang Men Lá
- Hạt Dổi Mắc Khén gia vị Đặc trưng của núi rừng Tây Bắc
- Cách làm mứt gừng giòn ngon cho ngày tết sum vầy